Trước những băn khoăn của nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc đổi mới cách chấm điểm bằng thang 20 sẽ gây khó khăn, vất vả cho người chấm. Trên tờ Vietnamnet, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang cho rằng, thang điểm 10 hay 20 đều giống nhau, nhưng về mặt tâm lý, thang điểm 10 sẽ tạo sự đồng thuận nhiều hơn thang điểm 20.
Đại diện nhiều Sở GD&ĐT phía Nam xuất nên giữ lại thang điểm 10, thay thang điểm 20 theo dự thảo quy chế ban hành của Bộ. Bên cạnh những đề xuất nên giữ lại thang điểm 10, các tỉnh phía Nam cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc đề thi cho từng môn để học sinh và giáo viên yên tâm ôn tập.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, nếu chấm thang 20 chắc chắn sẽ chấm rất chính xác hơn, nhưng giáo vien chấm cũng rất mệt. Không nên có sự thay đổi về tâm lý trong bối cảnh thay đổi toàn diện, nên giữ nguyên những gì ổn định trước đây như thang điểm, đối tượng, khu vực…
Chốt lại vấn đề, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, ông đồng ý với các đại biểu về việc thay đổi thang điểm chấm thi từ 10 sang 20 sẽ tạo tâm lý không ổn định cho thí sinh và giáo viên chấm thi một cách không cần thiết, Bộ trưởng GD&ĐT cho biết sẽ giữ nguyên thang điểm 10 đối với việc chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới.
Dẫn lời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc dùng thang điểm 10 hay 20 không có sự khác nhau về bản chất, tại Việt Nam nhiều kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ đã sử dụng thang điểm 100 hoặc hơn. Tuy nhiên, nếu đưa thang điểm 20 vào chấm thi cho kỳ thi sắp tới sẽ khiến giáo viên vất vả, bỡ ngỡ, còn học sinh cũng đã quen với thang điểm 10 nên sẽ giữ lại thang điểm này để tránh sự xáo trộn không cần thiết.
Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng cũng nhất thiết có thang điểm 20 trong Kỳ thi THPT quốc gia. Từng trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS. Văn Như Cương cho rằng, dù sao vẫn có cách phân loại điểm chứ không nhất thiết phải thay đổi cả thang điểm như năm nay. Điều này càng bất hợp lý hơn khi thầy Cương cho rằng, phương án chấm thi trong kỳ thi quốc gia là thang 20 điểm nhưng hiện tại trong học bạ các em vẫn cho theo thang 10 điểm.
“Tôi nói thang điểm 20 là không cần thiết. Trước kia khi tiếp quản Sài Gòn chúng ta cũng đã sử dụng thang điểm 20 và đã bị phản đối nhiều, trong lúc này thang điểm ở bậc tiểu học chỉ có hai mức: Đạt và không đạt. Tôi cảm giác như vậy rất là lung tung” thầy Văn Như Cương chia sẻ.
Giữ phương án ổn định tới khi có chương trình, sách giáo khoa mới
Dẫn lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh năm nay là nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Lấy quyền lợi, lợi ích căn bản của học sinh để làm trung tâm, tiêu chí căn bản của tuyển sinh.
Phương án đổi mới ở kỳ thi lần này sẽ là “sườn chính” của phương án tuyển sinh cho các năm sau cho đến khi có lứa học sinh lớp 12 của chương trình sách giáo khoa mới. Do vậy phương án lần này sẽ mang tính chất ổn định chứ không thay đổi từng năm, những năm sau nếu có điểm mới Bộ sẽ bổ sung, nhưng về tổng thể giữ nguyên phương án mà năm nay Bộ đã xây dựng.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông tin về cấu trúc đề thi, theo đó sẽ có những câu dành cho học sinh giỏi, xuất sắc. Sẽ có câu dễ, khó sao cho đảm bảo được kết quả thi tuyển có thể vừa dùng vào xét tốt nghiệp vừa để các trường Đại học, Cao đẳng an tâm dùng tuyển sinh. Về mô hình đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ đưa lên mạng để học sinh nắm rõ, dễ hình dung.
Đối với việc không sử dụng Atlas trong môn thi Địa lí, Bộ trưởng Luận nói rằng mọi thông tin trên Atlas địa lý sẽ được ghi trên đề thi.
Về đăng ký dự thi quốc gia đối với thí sinh tự do, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, thí sinh tự do đăng ký thi ở đâu cũng được, miễn thuận lợi cho các em, không bắt buộc phải đăng ký theo nơi cư trú.
Điểm mới nữa trong công tác xét tuyển, tất cả các trường đều có quyền xét đợt 1, trường nào thiếu mới xét các đợt tiếp theo. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, các trường tuyển vượt chỉ tiêu vài phần trăm cũng có thể chấp nhận được. Nếu cố ý tuyển vượt chỉ tiêu thì sẽ kỷ luật.
Quy trình làm thi quốc gia sẽ là các trường Đại học xếp phòng rồi chuyển dữ liệu cho các sở GD&ĐT in giấy báo dự thi.
Dự kiến trước ngày 10/2, Bộ GD&ĐT sẽ công bố chính thức phương án và quy chế tuyển sinh của kỳ thi năm nay.
băn khoăn, giáo dục, đào tạo, khó khăn, vất vả, giám đốc, bà rịa, vũng tàu, thanh giang, tâm lý, đại diện, quy chế, ban hành, đề nghị, công bố, học sinh, giáo viên, yên tâm, ôn tập, minh họa, thời đại
Thư viện trường THPT Thạch Bàn giới thiệu sách: "Chu Văn An - Người thầy của muôn đời"