TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS
- Thứ bảy - 12/12/2020 08:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhằm nhanh chóng đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay diễn ra từ ngày 10/11 - 10/12/2020, với chủ đề: "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Hưởng ứng chủ đề của tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, Trường THPT Thạch Bàn tuyên truyền những thông tin cần thiết liên quan đến HIV/AIDS
1. HIV/AIDS LÀ GÌ?
Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, trên http://vaac.gov.vn/viết: Quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS), thuật ngữ HIV và AIDS được hiểu như sau:
– HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.
– AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người.
Hiện nay, dưới sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, HIV/AIDS được hiểu sâu sắc hơn như sau:
– HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.
– AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng tựu chung lại trong khoảng thời gian trung bình là 5 năm
2. HIV CÓ THỂ LÂY LAN QUA NHỮNG CON ĐƯỜNG NÀO?
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, có 3 đường lây truyền HIV đó là: Đường máu; Đường tình dục; Đường truyền từ mẹ sang con;
2.1. Lây truyền HIV qua đường tình dục
Đường tình dục là một trong 3 đường chính lây truyền HIV và được coi là phương thức lây truyền HIV phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 70-80% tổng số người nhiễm HIV trên thế giới là bị lây nhiễm qua đường này.
Sự lây truyền HIV qua đường tình dục xảy ra khi các dịch thể (máu, dịch sinh dục) có chứa HIV xâm nhập vào cơ thể bạn tình không nhiễm HIV. Đường xâm nhập không nhất thiết phải là các vết thương hở hay vết loét trên da mà cả những vết trầy xước nhỏ không nhìn thấy bằng mắt thường. Thậm chí, HIV có thể xâm nhập được qua niêm mạc trong các hốc tự nhiên của cơ thể có ở đường âm đạo, lỗ niệu đạo ở đầu dương vật, trực tràng, niêm mạc mắt và họng.
Do HIV có nhiều trong dịch sinh dục (tinh dịch của nam và dịch tiết âm đạo của nữ) với đủ lượng có thể làm lây truyền từ người này sang người khác, cho nên về nguyên tắc mọi sự tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục của người mà ta không biết chắc chắn là chưa nhiễm HIV có nguy cơ bị nhiễm HIV.
Ngoài ra, trong khi quan hệ tình dục HIV còn có thể lây truyền qua đường máu. Máu trong trường hợp này có thể là máu kinh nguyệt, máu từ các vết thương hoặc vết loét ở cơ quan sinh dục hay từ các vết xước do động tác giao hợp gây ra.
2.2 Lây truyền HIV qua đường máu
Do HIV có nhiều trong máu, nên về nguyên tắc, mọi sự tiếp xúc trực tiếp với máu của người mà ta không biết chắc chắn là chưa nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.
HIV có nhiều trong máu toàn phần cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó HIV có thể lây truyền qua máu và cả qua các chế phẩm của máu có nhiễm HIV.
- HIV lây truyền từ người này sang người khác qua các dụng cụ đâm chích qua da, như trong các trường hợp sau:
+ Dùng chung bơm kim tiêm, nhất là với người tiêm chích ma túy;
+ Dùng chung các loại kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày;
+ Dùng chung các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh có xuyên cắt qua da hay các dụng cụ truyền máu, lấy máu chưa được tiệt trùng đúng cách.
-Lây truyền qua các vật dụng dính máu của người khác trong các trường hợp như dùng chung bàn chải đánh răng, lưỡi dao cạo râu;
- Lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu khác, như bị dính máu của người nhiễm HIV vào nơi có các vết thương hở hoặc da, niêm mạc bị xây sát;
- Do truyền máu hay các sản phẩm của máu, cấy ghép các mô, các tạng bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu không được tiệt trùng đúng cách.
2.3 Lây truyền HIV từ mẹ sang con
Người phụ nữ mang thai nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con:
- Khi mang thai
- Khi sinh
- Khi cho con bú.
3.1 Phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục
- Khi chưa có đủ điều kiện, không biết rõ về lịch sử của người tình không nên vội vàng có quan hệ tình dục. Việc tránh có quan hệ tình dục là biện pháp phòng tránh HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hiệu quả nhất.
- Đã có bạn tình hoặc đã lập gia đình, việc sống chung thủy đối với cả hai người là cách phòng tránh hữu hiệu nhất cho việc lây nhiễm HIV/AIDS và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
- Trong trường hợp có quan hệ với một người mà mình không biết rõ về lịch sử tình dục của họ thì việc dùng bao cao su đúng cách là rất cần thiết.
3.2 Phòng lây nhiễm HIV qua đường máu
- Không dùng chung bơm, kim tiêm khi tiêm hay chích. Nên sử dụng bơm kim tiêm dùng một lần rồi bỏ đi.
- Không dùng chung những vật xuyên qua da và niêm mạc như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kim xăm mình, kim xuyên lỗ tai…
- Khi đi cắt tóc không nên sử dụng chung lưỡi dao cạo, đồ dùng ngoáy tai vì những đồ dùng này vẫn có thể gây tổn thương da và lây nhiễm HIV/AIDS.
3.3 Phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
– Dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ tuổi sinh đẻ
Nam, nữ trong tuổi sinh đẻ hãy đến phòng khám tư vấn hoặc các co sở y tế để tìm hiểu các thông tin liên quan đến sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, phòng chống HIV và phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
– Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV
– Can thiệp cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai
– Các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau khỉ sinh
4. KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN:
- Cộng đồng chung tay -Kết thúc ngay dịch AIDS!
- Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!!
- Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính mình và người thân!
- Điều trị ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác!
- Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần!
- Phụ nữ mang thai cần đi tư vấn xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
- Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
- Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!
- Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
- Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2020!
Ai cũng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS nếu không có hiểu biết đầy đủ và không thực hiện các hành vi phòng, chống tích cực. Nó có thể tấn công bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng, vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự an toàn xã hội của đất nước, mỗi người hãy tích cực chủ động phòng, chống HIV/AIDS./.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ GIỜ DẠY MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN CÓ LỒNG GHÉP NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG AIDS
Giờ
dạy
của
cô
giáo
Hữu
Thị
Hạnh
|
Giờ dạy của cô giáo Lê Thị Thùy Dung |