Tích hợp liên môn Lý, Hóa, Sinh theo định hướng phát triển năng lực

Tích hợp liên môn Lý, Hóa, Sinh theo định hướng phát triển năng lực
Vận dụng dạy học tích hợp liên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học có hiệu quả góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.


Tích hợp liên môn Lý, Hóa, Sinh theo định hướng phát triển năng lực

Một giờ thí nghiệm của học sinh Trường phổ thông liên cấp Olympia.
Một giờ thí nghiệm của học sinh Trường phổ thông liên cấp Olympia.

GD&TĐ - Vận dụng dạy học tích hợp liên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học có hiệu quả góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Thầy Nguyễn Quang Huy - Giáo viên Trường THPT Olympia (Hà Nội) - cho rằng: So với các môn học trong nhà trường, Vật lý, Hóa học, Sinh học có nhiều cơ hội hơn trong xác định và xây dựng các nội dung, chủ đề dạy học tích hợp, liên môn, hay các chủ đề định hướng phát triển năng lực học sinh.

Những nội dung tích hợp gắn với thực tiễn đời sống

Hầu hết các giáo viên hiện nay đều nhận thức được việc thực hiện dạy học tích hợp liên môn sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc hình thành và phát triển năng lực hành động, năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh.

Đặc biệt Vật lý, Hóa học, Sinh học là các môn khoa học ứng dụng, thực nghiệm, là môn khoa học của sự sống, kiến thức các môn này luôn gắn liền với các yếu tố tự nhiên và xã hội.

Theo thầy Nguyễn Quang Huy, khi dạy học các môn này có thể tích hợp giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống... Đặc biệt là những vấn đề mang tính thời sự như:

Sự biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng biển lấn, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số; hậu quả của nó với việc giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội, vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, học sinh có thể sử dụng kiến thức ở nhiều môn học liên quan để giải quyết một số vấn đề như: Tích hợp kiến thức môn Toán để hình thành kỹ năng tính toán, xử lý số liệu; môn Hóa học để giải quyết vấn đề liên kết hóa học, đo đạc mức độ ô nhiễm môi trường, tính chất hóa học của các chất làm công cụ tìm hiểu về bản chất sinh học của các tổ chức sống;

Môn Vật lý để giải quyết về đặc tính, tính chất vật lý các chất, các tia, vấn đề năng lượng, trao đổi chất; hay để giải thích dễ dàng cơ chế tác động của các chất đến sự sống; môn Địa lý để hiểu về các vấn đề dân số, khí hậu, giúp học sinh dễ dàng giải thích cơ chế của sự thích nghi, tiến hóa, mối quan hệ giữa sinh học và môi trường...

Quy trình thực hiện dạy học tích hợp liên môn

Từ thực tiễn đã thực hiện tại Trường THPT Olympia, thầy Nguyễn Quang Huy lưu ý: Giáo viên phải tìm hiểu, nghiên cứu cơ sở lý luận của dạy học tích hợp liên môn; nghiên cứu kỹ nội dung chương trình các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở từng khối lớp để xác định được các nội dung cần dạy học liên môn.

Việc này có thể thực hiện theo quy trình: Xây dựng các chủ đề, các nội dung dạy học tích hợp liên môn, các chủ đề định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường trao đổi chuyên môn trong tổ nhóm và các bộ môn liên quan để xác định mục tiêu dạy học, mục đích và mức độ tích hợp, liên môn, phương tiện dạy học, cách thức tổ chức các hoạt động dạy học;

Xây dựng quy trình và tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, nội dung và mức độ dạy học tích hợp liên môn đảm bảo thực hiện được mục tiêu dạy học, thể hiện cụ thể ở các hoạt động của học sinh, hoạt động của giáo viên và thời gian tổ chức cho từng hoạt động (thiết kế giáo án). Sau đó, tổ chức dạy học tích hợp liên môn và rút kinh nghiệm.

Thầy Nguyễn Quang Huy đưa ví dụ: Khi dạy học nội dung “Nước và vai trò của nước”, chủ đề “Thành phần hóa học của tế nào” (Sinh học 10, nâng cao), giáo viên đưa ra mục tiêu dạy học, mục đích tích hợp, nội dung tích hợp, kiến thức liên môn, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học như sau:

Về mục tiêu dạy học, học sinh hiểu và trình bày được: Cấu trúc, đặc tính lý, hóa và vai trò của nước đối với tế bào; vận dụng kiến thức trên vào việc bảo vệ sức khỏe, bảo quản thực phẩm, bảo vệ môi trường; phát triển năng lực mô phỏng hiện tượng, quan sát, phán đoán, tìm mối quan hệ, giao tiếp, tư duy, sáng tạo...

Mục đích tích hợp: Học sinh hiểu rõ cấu trúc hóa học (các liên kết trong phân tử nước và giữa các phân tử nước, phân tử nước với các phân tử khác), đặc tính lý hóa của nước; học sinh hứng thú, tích cực, tự lực sáng tạo vận dụng kiến thức vật lý, hóa học để đạt được các mục tiêu trên.

Nội dung tích hợp cụ thể là: Nước với bảo vệ sức khỏe, bảo quản thực phẩm và bảo vệ môi trường. Kiến thức liên môn bao gồm: Kiến thức hóa học (các liên kết cộng hóa trị, liên kết hiđro, cấu trúc phân tử nước, tính chất hóa học của nước), kiến thức vật lý (đặc tính lí học của nước).

Phương tiện hỗ trợ tích hợp là các hình ảnh mô phỏng cấu trúc hóa học của phân tử nước, hình thành liên kết cộng hóa trị của phân tử nước, các ví dụ thực tiễn, các phiếu học tập... Giáo viên sẽ dùng phương pháp trực quan và hình thức tổ chức thảo luận nhóm...

Nguyên tắc: Đảm bảo tính hệ thống, chọn lọc, đồng bộ và khả thi...

Theo thầy Nguyễn Quang Huy, khi xây dựng các nội dung, chủ đề tích hợp liên môn, cần đảm bảo tính hệ thống, chọn lọc, nhưng có sự thống nhất, đồng bộ giữa các môn. Đồng thời, có tính thực tế (tính khả thi cao), phù hợp với năng lực, thời gian và điều kiện cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học hiện nay.

Việc xây dựng các nội dung, chủ đề tích hợp liên môn cũng cần đạt được mục tiêu giáo dục phổ thông và giáo dục môn học. Theo đó, đảm bảo nội dung các môn học liên quan, tạo điều kiện cho học sinh gắn kiến thức môn học với thực tiễn cuộc sống, giúp các em mở rộng các kĩ năng, rèn luyện và phát triển được năng lực chung, riêng.

Khi tổ chức các hoạt động dạy học, cần lựa chọn các phương pháp dạy học tích cực nhằm khai thác, vận dụng kiến thức để phát hiện và giải quyết vấn đề một cách chủ động, sáng tạo; đảm bảo có được sự hợp tác, gắn liền với thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui và hứng thú cho học sinh.

Giáo viên cũng nên tăng cường hợp tác với giáo viên khác cùng bộ môn, các môn liên quan để trong quá trình dạy học, không đồng nhất các môn liên quan nhưng cũng không biệt lập, tách rời các môn quá xa.

“Tích hợp sao cho kiến thức vừa đủ để học sinh tiếp thu, trách trùng lặp, nặng nề, nhưng cũng không nên biến giờ học môn học này thành môn học khác, cũng không thể xem nhẹ, bỏ qua hay không nhắc tới” - Thầy Nguyễn Quang Huy nhấn mạnh.

 

“Ở các tiết dạy tích hợp liên môn, học sinh tích cực, chủ động, hứng thú trong việc tìm ra các tri thức mới với những biểu hiện như: Sôi nổi, tích cực trao đổi, chủ động bày tỏ quan điểm. 

Các kiến thức mới hình thành trong bài học được thực hiện theo đúng quy trình logic của nhận thức nên học sinh hiểu bản chất, dễ nhớ và nhớ lâu. Với việc phát huy kiến thức ở nhiều môn học, tạo động lực học sinh học toàn diện các môn, tránh xu hướng học lệch...”
 

/uploads/tin-tuc/2016_03/phu-luc-du-an.pdf

Tác giả: Admin

Nguồn: hanoi.edu.vn