Time 23:13 EDT Chủ nhật, 13/10/2024
WEBSITE TRƯỜNG THPT THẠCH BÀN - TRƯỜNG THPT CÔNG LẬP - TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA

Chuyên mục

Liên kết

Sở GD&ĐT Hà Nội

LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN (SỐ 09/2022/QH15)

Đăng lúc: Thứ sáu - 03/03/2023 20:41 - Người đăng: Webmaster
QUỐC HỘI
__________
Luật số: 09/2022/QH15
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
______________________
 
 
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 2 Điều 5 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c như sau:
“c) Cấp, cấp lại, cấp đổi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; quản lý lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, phí sử dụng tần số vô tuyến điện, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm h như sau:
“h) Bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ vô tuyến điện; quản lý việc đào tạo và việc cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên;”.
2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 11 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 1 như sau:
“b) Quy hoạch băng tần là quy hoạch phân chia băng tần thành một hoặc nhiều khối băng tần cho một loại hệ thống thông tin vô tuyến điện và quy định việc phân bổ băng tần đó cho một hoặc nhiều tổ chức sử dụng theo những điều kiện cụ thể.
Đối với băng tần được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng thì việc phân bổ phải bao gồm giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần được quy hoạch hoặc trong nhóm băng tần xác định;
c) Quy hoạch phân kênh tần số là quy hoạch phân chia một băng tần thành các kênh tần số cho một loại nghiệp vụ vô tuyến điện cụ thể theo một tiêu chuẩn nhất định và quy định điều kiện sử dụng các kênh tần số đó;”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam và việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện phải phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.”.
3. Bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 như sau:
“Điều 11a. Trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch
1. Trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài quy hoạch tần số vô tuyến điện bao gồm sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp phép từng trường hợp cụ thể được sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo điều kiện sử dụng.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 và sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 16 như sau:
“3. Thời hạn của giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nhưng không vượt quá thời hạn tối đa của từng loại giấy phép quy định tại khoản 2 Điều này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3a Điều này và điểm d khoản 4 Điều 18 của Luật này.
3a. Thời hạn của giấy phép sử dụng băng tần được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc được cấp lại do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định nhưng không vượt quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết về việc cấp, cấp lại, cấp đổi, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17 như sau:
“2. Phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện, trừ trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 và bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18 như sau:
“Điều 18. Phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm:
a) Cấp giấy phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ đấu giá theo các tiêu chí về năng lực đầu tư, kỹ thuật nghiệp vụ, kinh doanh bảo đảm thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông và mức tiền trả giá khi tham gia đấu giá của tổ chức;
b) Cấp giấy phép thông qua thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ thi tuyển theo các tiêu chí về năng lực đầu tư, kỹ thuật nghiệp vụ, kinh doanh bảo đảm thực hiện cam kết triển khai mạng viễn thông của tổ chức;
c) Cấp giấy phép trực tiếp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định trước được xét cấp trước.
2. Phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá áp dụng đối với băng tần, kênh tần số sau đây:
a) Băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất;
b) Băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng mặt đất khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường viễn thông trong nước và thông lệ quốc tế về cấp phép loại băng tần, kênh tần số này.
3. Phương thức cấp giấy phép thông qua thi tuyển áp dụng đối với băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có tổ chức mới tham gia thị trường để thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông.
Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần, kênh tần số được cấp phép thông qua thi tuyển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Phương thức cấp giấy phép trực tiếp áp dụng đối với băng tần, kênh tần số sau đây:
a) Băng tần, kênh tần số không thuộc băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này khi sử dụng cho mục đích thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, các trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này;
c) Băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này khi cấp trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật với thời hạn giấy phép không quá 03 năm hoặc khi cấp lại theo quy định tại Điều 20a của Luật này;
d) Trường hợp đặc biệt, băng tần quy định tại khoản 2 Điều này được cấp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá 03 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh lấy ý kiến Bộ Thông tin và Truyền thông, ý kiến Bộ Công an đối với đề án do Bộ Quốc phòng lập, ý kiến Bộ Quốc phòng đối với đề án do Bộ Công an lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trước khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
Đề án phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước; sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; xác định cụ thể nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giao cho doanh nghiệp; xác định lượng tần số phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chiếm tỷ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép.
Trước khi giấy phép hết thời hạn 03 tháng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức đánh giá hiệu quả việc sử dụng băng tần đã cấp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dừng hoặc tiếp tục thực hiện đề án không quá 12 năm làm cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông gia hạn giấy phép.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 18a. Điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và cam kết triển khai mạng viễn thông
1. Điều kiện tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm:
a) Có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này;
b) Có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông sử dụng băng tần, kênh tần số tương ứng với băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển theo quy định của pháp luật về viễn thông;
c) Đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về viễn thông, tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật;
d) Có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Cam kết triển khai mạng viễn thông bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tổng số vốn đầu tư vào mạng lưới hoặc số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện phải triển khai;
b) Vùng phủ sóng tính theo dân số hoặc theo khu vực địa lý;
c) Thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông tính từ thời điểm cấp phép;
d) Chất lượng dịch vụ viễn thông;
đ) Chuyển vùng dịch vụ viễn thông.
3. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định số lượng nội dung cam kết, yêu cầu cụ thể của từng nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông đối với từng băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển hoặc cấp lại.
4. Tổ chức vi phạm nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều này bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần đã được cấp mà không được hoàn trả phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với phần tần số vô tuyến điện bị đình chỉ trong thời gian bị đình chỉ.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.
7. Sửa đổi, bổ sung các điểm b, c và d khoản 2 Điều 19 như sau:
“b) Có giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông đối với tổ chức đề nghị cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện để thiết lập mạng viễn thông;
c) Có giấy phép hoạt động báo chí hoặc được quyền phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật;
d) Có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi, phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện hoặc có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi đối với trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này;”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 và bổ sung Điều 20a vào sau Điều 20 như sau:
“Điều 20. Cấp giấy phép sử dụng băng tần
1. Đối tượng được cấp giấy phép là tổ chức hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
2. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này được cấp giấy phép trực tiếp phải có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này.
Trường hợp cấp giấy phép theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 18 của Luật này phải có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này và phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án.
Trường hợp cấp lại giấy phép thực hiện theo quy định tại Điều 20a của Luật này.
3. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này được cấp giấy phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Trúng đấu giá hoặc trúng thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện;
b) Có giấy phép thiết lập mạng viễn thông sử dụng băng tần, kênh tần số trúng đấu giá hoặc trúng thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Điều 20a. Cấp lại giấy phép sử dụng băng tần
1. Cấp lại giấy phép sử dụng băng tần là việc cho phép tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần tiếp tục sử dụng tần số vô tuyến điện đối với toàn bộ khối băng tần đã cấp trước đó khi giấy phép sử dụng băng tần đã cấp hết hiệu lực.
2. Băng tần được cấp lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp tất cả các khối băng tần đã cấp phù hợp với việc phân chia các khối băng tần của quy hoạch băng tần được áp dụng tại thời điểm giấy phép sử dụng băng tần hết hiệu lực.
3. Chậm nhất là 03 năm trước ngày giấy phép sử dụng băng tần hết hiệu lực, Bộ Thông tin và Truyền thông phải thông báo cho tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần về quy hoạch băng tần được áp dụng tại thời điểm giấy phép sử dụng băng tần hết hiệu lực.
4. Điều kiện được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần bao gồm:
a) Có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này;
b) Đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về viễn thông, tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật đối với băng tần, kênh tần số đã cấp trước đó được đề nghị cấp lại;
c) Nộp đủ, đúng thời hạn tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số được đề nghị cấp lại theo quy định của pháp luật;
d) Có cam kết triển khai mạng viễn thông đối với băng tần, kênh tần số đề nghị cấp lại theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18a của Luật này.
5. Trong thời hạn 30 ngày trước ngày giấy phép sử dụng băng tần còn hiệu lực 06 tháng, tổ chức có nhu cầu được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải gửi Bộ Thông tin và Truyền thông hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm cấp lại giấy phép sử dụng băng tần cho tổ chức chậm nhất là 30 ngày trước ngày giấy phép đã cấp hết hiệu lực; trường hợp không cấp lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
6. Giấy phép sử dụng băng tần được cấp lại khi hết thời hạn ghi trong giấy phép thì được xem xét gia hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này.
7. Không cấp lại giấy phép sử dụng băng tần đối với băng tần, kênh tần số được cấp cho mục đích thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, được cấp trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật và được cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 11a, điểm d khoản 4 Điều 18 của Luật này.”.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:
“Điều 22. Gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Việc gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải căn cứ vào nguyên tắc cấp giấy phép quy định tại Điều 17 của Luật này và các quy định sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định cho từng loại giấy phép tương ứng;
b) Thời hạn hiệu lực của giấy phép còn lại ít nhất là 30 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, 60 ngày đối với giấy phép sử dụng băng tần, 90 ngày đối với giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh;
c) Thời hạn hiệu lực của giấy phép được gia hạn không vượt quá thời hạn của giấy phép viễn thông, giấy phép hoạt động báo chí hoặc phù hợp với quyền phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật;
d) Tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng; trường hợp thời hạn cấp giấy phép lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì không được gia hạn;
đ) Có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp được cấp theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 18 của Luật này.
2. Việc sửa đổi, bổ sung giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải căn cứ vào nguyên tắc cấp giấy phép quy định tại Điều 17 của Luật này và các quy định sau đây:
a) Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện còn hiệu lực;
b) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định cho từng loại giấy phép tương ứng;
c) Việc sửa đổi, bổ sung giấy phép phải phù hợp với quy định tại các điều 19, 20, 20a và 21 của Luật này đối với từng loại giấy phép tương ứng.
3. Việc cấp đổi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trong trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hư hỏng.
4. Việc ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện phải có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện;
b) Đối với giấy phép được cấp không gắn với cam kết triển khai mạng viễn thông thì tổ chức, cá nhân ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện được hoàn trả phí sử dụng tần số vô tuyến điện và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã nộp cho thời gian còn lại của giấy phép (làm tròn theo tháng) theo quy định của pháp luật nếu giấy phép còn hiệu lực ít nhất 30 ngày kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân;
c) Đối với giấy phép được cấp có gắn với cam kết triển khai mạng viễn thông thì tổ chức, cá nhân ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện không được hoàn trả phí sử dụng tần số vô tuyến điện và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã nộp.
5. Trường hợp ngừng sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại Điều 12 của Luật này thì tổ chức, cá nhân được hoàn trả phí sử dụng tần số vô tuyến điện, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã nộp cho thời gian còn lại của giấy phép (làm tròn theo tháng) theo quy định của pháp luật kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thu hồi.”.
10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 23 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các điểm đ, e, g và bổ sung điểm h vào sau điểm g khoản 1 như sau:
“đ) Không nộp đủ phí sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật mà không khắc phục để nộp đủ trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hết hạn nộp tiền theo thông báo của cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện;
e) Không triển khai trên thực tế các nội dung quy định của giấy phép sau thời hạn 02 năm kể từ ngày được cấp giấy phép, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;
g) Khi giấy phép viễn thông, giấy phép hoạt động báo chí hoặc quyền phát sóng phát thanh, truyền hình tương ứng bị thu hồi;
h) Không khắc phục vi phạm về cam kết triển khai mạng viễn thông sau thời hạn bị đình chỉ một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 như sau:
“2. Sau thời hạn 01 năm kể từ ngày bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này nhưng chưa đến mức bị xử lý về hình sự, nếu đã khắc phục được hậu quả và có đủ điều kiện để được cấp giấy phép theo quy định của Luật này thì tổ chức, cá nhân được xét cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
3. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại khoản 1 Điều này không được hoàn trả phí sử dụng tần số vô tuyến điện và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.”.
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:
“Điều 24. Chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần thông qua đấu giá được phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho tổ chức khác sau 05 năm kể từ ngày được cấp giấy phép sử dụng băng tần.
Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần thông qua thi tuyển hoặc cấp trực tiếp không được chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
2. Điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm:
a) Tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông phù hợp với băng tần, kênh tần số nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về viễn thông, điều kiện cấp giấy phép quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này và phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng;
b) Tổng độ rộng băng tần được phép sử dụng của tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép sử dụng quy định tại quy hoạch băng tần;
c) Các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết.
3. Căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét chấp thuận việc chuyển nhượng; cấp giấy phép sử dụng băng tần cho tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sau khi hoàn thành chuyển nhượng.
4. Các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 31 như sau:
“Điều 31. Phí sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.
Mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng trên cơ sở mục đích sử dụng; mức độ chiếm dụng phổ tần số vô tuyến điện; phạm vi phủ sóng; mức độ sử dụng tần số trong băng tần và địa bàn sử dụng tần số vô tuyến điện.
Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí về tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
2. Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần đối với băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2, khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 18 của Luật này phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
3. Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 18 của Luật này có nghĩa vụ nộp phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với lượng tần số vô tuyến điện được sử dụng cho phát triển kinh tế bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với doanh nghiệp viễn thông khác được cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trên cùng băng tần.
4. Tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được nộp vào ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định chi tiết mức thu, phương thức thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.”.
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 32 như sau:
“1. Người trực tiếp khai thác thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ di động hàng hải, di động hàng không, vô tuyến điện nghiệp dư phải có chứng chỉ vô tuyến điện viên, trừ trường hợp đã có chứng chỉ tương đương theo quy định của luật hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên thuộc nghiệp vụ di động hàng hải, di động hàng không, vô tuyến điện nghiệp dư; quy định chứng chỉ vô tuyến điện viên, đối tượng, điều kiện, thủ tục cấp, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên, công nhận chứng chỉ vô tuyến điện viên nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.”.
14. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 42 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c và bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 2 như sau:
“c) Phê duyệt kết quả phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh;
d) Kiểm tra, thông báo cho Liên minh Viễn thông quốc tế về đăng ký tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh của Việt Nam.”;
b) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 3 như sau:
“e) Kiểm tra, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông kết quả kiểm tra các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài được Liên minh Viễn thông quốc tế công bố có khả năng ảnh hưởng đến vệ tinh đã được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.”.
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 45 như sau:
“2. Trường hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có yêu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ riêng thì Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, chấp thuận, trừ băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 18 của Luật này phải thực hiện phân bổ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia thì thực hiện như sau:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được quyền quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện và việc sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;
b) Nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho tần số và thiết bị vô tuyến điện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo cho tổ chức, cá nhân phải ngừng sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho đến khi kết thúc tình huống quy định tại khoản này.”.
16. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 1 Điều 46 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a như sau:
“a) Quy định việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện;”;
b) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ như sau:
“e) Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được cấp phép theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 18 về việc thực hiện đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các quy định khác của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
17. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ từ, cụm từ, khoản tại một số điều sau đây:
a) Thay thế cụm từ “quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia” bằng cụm từ “quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia, tránh tích tụ” tại khoản 7 Điều 10;
b) Thay thế cụm từ “cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện” bằng cụm từ “Bộ Thông tin và Truyền thông” tại khoản 4 Điều 12;
c) Thay thế cụm từ “Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông” bằng từ “Chính phủ” tại điểm b khoản 1 Điều 19khoản 3 Điều 25 và khoản 3 Điều 26;
d) Bỏ cụm từ “hoạt động ở cự ly ngắn, có công suất hạn chế,” tại điểm a khoản 1 Điều 27;
đ) Bổ sung cụm từ “; kiểm tra các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài” vào sau từ “vệ tinh” tại khoản 8 Điều 30;
e) Bổ sung cụm từ “, thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện” vào sau cụm từ “thiết bị vô tuyến điện” tại khoản 3 Điều 39;
g) Thay thế cụm từ “Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an” bằng từ “Chính phủ” tại khoản 2 Điều 40;
h) Bỏ cụm từ “theo quy định tại Điều 44 của Luật này” tại điểm d khoản 1 Điều 43;
i) Bổ sung cụm từ “trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nội dung” vào trước cụm từ “sau đây” tại khoản 2 Điều 46;
k) Bãi bỏ khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 19.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan
1. Bổ sung mục 228 vào sau mục 227 của Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15 và Luật số 08/2022/QH15 như sau:
“Đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên”.
2. Bổ sung cụm từ “, tần số vô tuyến điện” vào sau cụm từ “phòng, chống tác hại của rượu, bia” tại khoản 1 Điều 64 của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13, Luật số 18/2017/QH14 và Luật số 67/2020/QH14.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Điều 4. Quy định chuyển tiếp
1. Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đã cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn được ghi trong giấy phép. Chứng chỉ vô tuyến điện viên đã cấp trước ngày 01 tháng 7 năm 2024 thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn được ghi trong chứng chỉ.
2. Tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất mà hết hạn sử dụng trước ngày 06 tháng 9 năm 2023 thì được xem xét gia hạn theo quy định tại Điều 16 của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 và các điểm a, b, c khoản 1 Điều 22 của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 của Luật này tối đa đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2024 và không phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho thời gian được gia hạn.
3. Tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất mà hết hạn sử dụng trước ngày 16 tháng 9 năm 2024 thì không phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho đến hết thời hạn được ghi trong giấy phép và không được gia hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo quy hoạch băng tần đối với các băng tần đã cấp cho tổ chức quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này trước ngày 01 tháng 8 năm 2023. Đối với khối băng tần được xem xét cấp lại mà sử dụng chung tần số vô tuyến điện theo giấy phép sử dụng băng tần đã cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được xem xét cấp lại theo hiện trạng sử dụng.
5. Việc đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên tiếp tục được thực hiện theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
_______________________________________________________________________________________________
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ thông qua ngày 09 tháng 11 năm 2022.
  CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
 
 
Vương Đình Huệ

Nguồn: https://luatvietnam.vn/thong-tin/luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-tan-so-vo-tuyen-dien-so-09-2022-qh15-238304-d1.html
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Ảnh trường THPT Thạch Bàn

Đăng nhập thành viên

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập: 156
  • Khách online: 154
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 96370
  • Tháng hiện tại: 1037608
  • Tổng lượt truy cập: 23717487

Liên kết

Tìm tài liệu

Google Map